Khống chế triều đình Vương_Đôn

Đôn quay về Vũ Xương, giết hại nhiều trung lương, trao chức cho thân tín: lấy anh trai Vương Hàm làm Vệ tướng quân, Đô đốc Miện Nam quân sự, Lĩnh Nam Man hiệu úy, Kinh Châu thứ sử, lấy Nghĩa Dương thái thú Nhâm Âm làm Đốc Hà Bắc chư quân sự, Nam trung lang tương, ngoài ra ông còn tự làm Đốc Ninh, Ích 2 châu.[2][20]

Năm Thái Ninh đầu tiên (323 [4]), Tấn Minh đế nối ngôi, Đôn đánh tiếng để triều đình trưng mình, vì thế Minh đế tự tay làm chiếu trưng ông. Sau đó triều đình sai Kiêm Thái thường Ứng Chiêm bái thụ Đôn gia Hoàng việt, đội nghi lễ Ban kiếm, Vũ bôn 20 người, tâu việc không xưng tên, vào chầu không bước rảo, được đeo kiếm lên điện. Đôn dời trị sở về Cô Thục, Minh đế sai Thị trung Nguyễn Phu đem bò rượu khao quân; Đôn xưng bệnh không gặp, sai chủ bộ nhận chiếu. Triều đình lấy Vương Đạo làm Tư đồ, Đôn tự nhận chức Dương Châu mục.[2][21]

Đôn đã đắc chí, ngày càng kiêu mạn, bốn phương cống nạp phần nhiều đưa vào phủ của mình, bày biện nghi lễ dành cho Thừa tướng và Đại tướng quân rồi mới ra khỏi cửa; dời anh trai Vương Hàm làm Chinh đông tướng quân, Đô đốc Dương Châu, Giang Tây chư quân sự, em họ Vương Thư nắm Kinh Châu, Vương Bân nắm Giang Châu, Vương Thúy nắm Từ Châu. Hàm tính hung ác, tham lam, ngang ngược và tàn bạo, lại thêm thói xa xỉ, nhờ Đôn nâng đỡ mà có được địa vị cao quý. Đôn lấy Thẩm Sung, Tiền Phượng làm mưu chủ, Gia Cát Dao, Đặng Nhạc, Chu Phủ, Lý Hằng, Tạ Ung làm nanh vuốt. Bọn Sung đều hung ác càn rỡ, cùng nhau xúi giục Đôn, giết chóc theo ý riêng; lại còn xây dựng phủ đệ, chiếm đoạt ruộng vườn, quật phá mộ cổ, cướp bóc chợ búa, khiến cho quan dân chán nản, đều cho rằng họ ắt bại vong.[2][21] Dự Chương thái thú Vương Lăng ngày đêm can ngăn, khiến Đôn giận, ngầm xui Vương Như giết Lăng, rồi bắt giết Như để bịt miệng.[2][22]

Đôn không có con trai, nuôi con trai của Hàm là Vương Ứng. Đến khi Đôn bệnh nặng, bèn bái Ứng làm Vũ vệ tướng quân để giúp đỡ mình. Tiền Phượng khuyên Đôn gởi gắm hậu sự cho Ứng, Đôn nói: “Việc phi thường, há người thường có thể làm được! Sau khi ta chết, chẳng bằng giải tán quân đội, theo về triều đình, bảo toàn môn hộ, ấy là thượng kế đấy. Lui về Vũ Xương, thu binh tự giữ, cống hiến không bỏ, là trung kế đấy. Ngay khi tôi còn sống, dốc lực lượng về kinh, may ra thành công, là hạ kế đấy.” Phượng nói với đồng đảng rằng: “Hạ kế của ngài ấy, mới là thượng sách đấy.” Rồi cùng Thẩm Sung định mưu, đợi sau khi Đôn chết thì nổi loạn.[2][21]

Đôn kiêng dè Chu Trát, diệt tộc của ông ta rồi giết ông ta. Bọn Thường tòng đốc Nhiễm Tằng, Công Thừa Hùng là tâm phúc của Tấn Nguyên đế, Đôn bèn hại họ. Đôn cho rằng túc vệ còn nhiều, tấu lên đòi chia làm 3 phiên nghỉ 2. Đến khi Đôn bệnh nặng, triều đình giáng chiếu sai Thị trung Trần Quỹ, Tán kỵ thường thị Ngu Phỉ thăm hỏi. Bấy giờ Minh đế sắp đánh dẹp Đôn, vi hành đến Vu Hồ, dò xét doanh lũy của ông, còn nhiều lần sai đại thần hỏi dò nơi ở của ông; sau đó triều đình thăng Vương Hàm làm Phiếu kỵ đại tướng quân, Khai phủ nghi đồng tam tư, con Hàm là Vương Du làm Tán kỵ thường thị.[2][23]